Bài 14: Những lỗi phát âm tiếng Đức người Việt hay mắc phải
7 phút Có một số lỗi phát âm tiếng Đức mà người Việt rất hay mắc. Bạn có mắc lỗi nào không? Đọc xem mình mắc bao nhiêu lỗi rồi sửa ngay nhé.
Lỗi phát âm tiếng Đức người Việt hay mắc phải được đúc rút trong quá trình học tập, sinh sống và làm việc tại Đức của chúng tôi.
Khi tiếp xúc với nhiều người Việt tại Đức, và trong quá trình dạy học tiếng Đức, chúng tôi nhận thấy người Việt chúng ta thường xuyên có những lỗi phát âm giống nhau. Các bạn hãy đọc kĩ bài này và cố gắng tự chỉnh sửa phát âm cho mình nhé.
Nếu bạn biết những lỗi phát âm nào mà bài này chưa liệt kê hãy liên hệ với chúng tôi để bổ sung. Điều này sẽ giúp cho các bạn học viên tiếng Đức khóa sau rất nhiều.
Lỗi 1: không bật phụ âm cuối
Miêu tả lỗi
Đây là lỗi phổ biến nhất, do tiếng Việt của chúng ta là ngôn ngữ bán âm tiết. Nghĩa là chúng ta chỉ phát âm một nửa. Ví dụ như từ „tốt“, chúng ta chỉ phát âm là „tốt“ (một nửa chữ „t“) trong khi người Đức phát âm từ „tot“ là „tot-th“ (đầy âm tiết).
Không bật phụ âm cuối khiến đôi khi chúng ta bị hiểu sai ý muốn nói. Dấu thanh trong tiếng Việt giúp chúng ta phân biệt giữa các từ với nhau như: „ma mà má mả mạ mã“. Phụ âm cuối của tiếng Đức cũng giúp ta điều tương tự. Ví dụ như: „aus auf“. Nếu chúng ta chỉ phát âm là „au“ thì sẽ không ai hiểu chúng ta muốn nói „auf“ hay „aus.“
Cách sửa
Ta có thể áp dụng phương pháp „học bật phụ âm cuối bằng truyện Kiều“ của Tiến sĩ Trần Minh Hoàng. Phương pháp như sau:
- Đọc một đoạn thơ Kiều mà chúng ta ưa thích, sau đó thêm các phụ âm cuối thường gặp vào sau mỗi từ. Mỗi lần mình sẽ luyện với một âm. Luyện cho tới khi quen với việc bật phụ âm cuối.
Ví dụ luyện phụ âm cuối f:
Trămf nămf trongf cõif ngườif taf
Chữf tàif chữf mệnhf khéof làf ghétf nhauf
Ví dụ luyện phụ âm cuối s:
Trăms năms trongs cõis ngườis tas
Chữs tàis chữs mệnhs khéos làs ghéts nhaus
Nếu bạn không muốn nói những câu ngớ ngẩn gây hài hước như câu tiếng Việt: „cụ đã ăn buoi toi chưa?“ thì hãy cố gắng luyện bật phụ âm cuối. Nếu không bạn sẽ rất dễ rơi vào tình trạng dở khóc dở cười như anh chàng tây nói tiếng Việt kia.
Lỗi 2: sờ lung tung
Miêu tả lỗi
Trái ngược với lỗi trên, lỗi này chúng ta lại hay thêm phụ âm cuối „s“ hay âm gió „s“ rất tùy tiện, mặc dù bản thân từ được phát âm không hề có. Ví dụ như từ „mit“ hay bị phát âm thành „mít-x“. Tuy nhiên, những từ có âm „s“ chúng ta lại không hề phát âm chúng ra. Đây là một điều khá là lạ, chúng tôi vẫn chưa tìm ra nguyên nhân tại sao lại có hiện tượng như vậy.
Cách sửa
Luôn ghi nhớ trong đầu một điều: không được „sờ lung tung“! Có „sờ“ mới được „sờ“, còn không có „sờ“ thì cấm „sờ“.
Lỗi 3: lỗi phát âm tiếng Đức rời rạc, đánh trọng âm vào tất cả các âm
Miêu tả lỗi
Đây cũng là một lỗi phổ biến của người Việt liên quan đến đặc điểm của tiếng Việt. Tiếng Việt của chúng ta là ngôn ngữ đơn âm tiết. Trong khi đó, tiếng Đức lại là ngôn ngữ đa âm tiết. Chúng ta khi phát âm tiếng Đức hay chuyển về đơn âm tiết như tiếng Việt.
Đối với các từ đơn âm tiết như „man“, „Mann“ thì không sao. Nhưng đối với những từ đa âm tiết như „kaufen“, „verkaufen“ thì lại là một vấn đề lớn.
Người Việt chúng ta hay có xu hướng:
- Phát âm rõ ràng từng âm một trong một từ đa âm tiết.
- Nhấn trọng âm vào từng âm. Ví dụ như „verkaufen“ sẽ thành ba âm ver – kau – fen.
Điều này khiến người Đức tưởng chúng ta đang nói ba từ chứ không phải là một từ.
Cách sửa
Chúng ta sử dụng công cụ dấu thanh của chính tiếng Việt. Hai thanh thường dùng là thanh huyền và thanh sắc. Qui tắc như sau:
- Đối với từ một âm tiết thì cứ phát âm như bình thường.
- Đối với từ từ hai âm tiết trở lên: đánh dấu sắc hoặc huyền vào một âm, rồi đọc thật nhanh các âm trong một từ. Ví dụ: „kaufen“ sẽ đọc thành káufèn. „verkaufen“ sẽ đọc thành verkáufèn
- Luôn luôn ghi nhớ trong đầu: phải thêm dấu sắc hoặc dấu huyền vào một trong những âm của một từ đa âm tiết. Khi quên lập tức phải đọc lại ngay.
Lỗi 4: cố ý tỏ ra nguy hiểm :P
Miêu tả lỗi
Nhiều người khi phát âm tiếng Đức nghĩ rằng:
- Đây là tiếng nước ngoài nên cần phải phát âm méo mó hay lơ lớ đi cho nó giống tây.
- Phải đọc ra thành kiểu tiếng Anh mới là ngoại ngữ.
Điều này khiến tiếng Đức trở thành khác xa với nguyên bản của nó.
Ví dụ:
- Từ „man“ phát âm tiếng Đức là „man“ như tiếng Việt. Tuy nhiên, nhiều người cứ phải vặn vẹo thành „men“, „mơn“ hay „maen“ mới chịu cơ.
- Hay âm „ai“ rất hay bị đọc nhầm thành âm „oai“. Ví dụ như từ „zwei“ bị đọc thành „x-voai.“
Cách sửa
Điều 1: luôn luôn nghĩ trong đầu:
- Tiếng Đức là tiếng Đức không phải tiếng Anh.
- Tiếng Đức viết thế nào đọc thế đó, và đọc thế nào viết thế đó.
- Không được tự ý sáng tạo hay thêm các âm khác vào các âm tiếng Đức trong quá trình phát âm.
Điều 2: học thuộc tất cả các âm trong tiếng Đức để đánh vần và phát âm cho chuẩn.
Lỗi 5: lỗi phát âm tiếng Đức kéo dài ra
Miêu tả lỗi
Đây cũng là một trong những lỗi cố tỏ ra nguy hiểm. Chúng ta luôn nghĩ:
- Đọc chậm, kéo dài giọng ra thì nó sẽ giống tây hơn.
Hoặc trong quá trình dạy học, các giáo viên phát âm chậm để các học viên hình dung rõ các âm. Điều này lại khiến các học viên lầm tưởng phát âm như thế mới là đúng chuẩn. Phát âm chậm, kéo dài rất nguy hiểm. Các bạn cứ thử phát âm từ „thuyền“ chậm thành „thui-ền“ xem. Chính bản thân người Việt cũng chịu không hiểu nổi, mặc dù đó là tiếng Việt.
Cách sửa
Cách sửa lỗi này khá đơn giản. Ta chỉ việc phát âm nhanh, mạnh, dứt khoát là xong. Luôn nghĩ trong đầu một khẩu quyết:
- Phát âm một câu thì có thể chậm nhưng phát âm một từ thì phải nhanh mạnh, dứt khoát.
Ví dụ:
- Từ „Dirk“ cần phải phát âm nhanh mạnh dứt khoát thành „Điếc“ chứ không phải là „Đi…ếc…cờ“. :P
Lỗi 6: nhầm phát âm của âm „l“
Miêu tả lỗi
Âm này nếu đứng đầu từ thì không sao vì nó phát âm như âm „l“ của tiếng Việt. Nó chỉ có khó khăn với một số bạn bị nhầm „l“ với „n“ mà thôi.
Tuy nhiên, khi nó đứng sau nguyên âm thì có hai lỗi thường thấy:
- Đối với người chưa học ngoại ngữ, âm này bị biến thành „n“. Ví dụ như từ Aldi sẽ bị phát âm thành „An-đi“.
- Đối với người biết tiếng Anh, âm này bị biến thành âm „o“. Ví dụ như từ Aldi ở trên sẽ bị phát âm thành „Ao-đi“.
Việc phát âm nhầm này rất tai hại. Chúng ta có thể nhầm „als“ với „ans.“ Hay tệ hại hơn là nhầm „bố mẹ“ là „Eltern“ với „bầy vịt“ là „Enten“.
Phát âm chuẩn của âm này trong tiếng Đức là gì?
Cách sửa
Âm này có hai cách phát âm:
- phát âm như âm „l“ trong tiếng Việt nếu đứng đầu từ.
- phát âm như âm „i“ nếu đứng sau nguyên âm. (Đầu lưỡi hơi cong lên một chút.) Để luyện phát âm, chúng ta mới đầu phát âm chúng thành âm „i“ cho quen. Sau đó cố nhấc đầu lưỡi cong lên.
Ví dụ:
- Aldi sẽ được phát âm như sau: „ai-đì“, sau đó cong đầu lưỡi lên thành „ai(l)-đì.“
Lỗi 7: dờ xờ loạn cả lên
Miêu tả lỗi
Phát âm nhầm âm „s“ và „z“ là lỗi gây „ức chế“ nhất trong quá trình giảng dạy tiếng Đức tại CLB Tiếng Đức Việt Đức. Nhiều học viên biết là phát âm sai nhưng vẫn „cố tình“ phạm phải. Lý do chính là điều này đã ăn sâu vào đầu óc chúng ta từ bé rồi. Trong khi tiếng Đức lại phát âm ngược lại:
- Âm „s“ chúng ta phát âm là „sờ“ thì người Đức lại phát âm là „dờ.“
- Âm „z“ chúng ta phát âm là „dờ“ thì người Đức lại phát âm thành „txờ.“ (Gần giống với „xờ“ của tiếng Việt.)
Do vậy, chúng ta mới „dờ, xờ“ loạn cả lên.
Cách sửa
Luôn tâm niệm trong đầu câu:
- Mình „dờ“ thì nó „xờ“, mình „xờ“ thì nó „dờ“.
- Nếu định phát âm là „dờ“ thì hãy chuyển sang phát âm thành „xờ.“
- Nếu định phát âm là „xờ“ thì hãy chuyển sang thành „dờ.“
Lỗi 8: nhầm phát âm của „r“ và „g“
Miêu tả lỗi
Chúng ta hay phát âm:
- „g“ là „gờ“ như tiếng Việt.
- „r“ như âm „dờ trong tiếng Việt.
Đây là một điều khiến chúng ta hay bị lỗi khi nghe hiểu tiếng Đức.
Sự thực:
- Âm „g“ trong tiếng Đức được phát âm như âm „k“ trong tiếng Việt.
- Âm „r“ trong tiếng Đức được phát âm như âm „gờ“ trong tiếng Việt với lưỡi gà rung lên.
Ví dụ:
- „gut“ sẽ được phát âm là „kút“.
- „rot“ sẽ được phát âm thành „gốt“ với lưỡi gà rung lên.
Nếu trong lớp học tiếng Đức, bạn nghe thấy giáo viên nói với bạn là „kút“ thì đừng đi ra khỏi lớp nhé. Không phải các thầy cô giáo đuổi bạn ra khỏi lớp đâu, mà đang khen bạn là „gut“ đó.
Còn nếu bạn phát âm „g“ thành âm „gờ“ như trong tiếng Việt thì sẽ bị nhầm sang âm „r“ trong tiếng Đức.
Cách sửa
Hãy tìm một vài từ bắt đầu bằng âm „g“ sau đó phát âm chúng và nhớ trong đầu mình phải phát âm chúng thành âm „k“ trong tiếng Việt.
Đối với âm „r“ chúng ta bắt đầu bằng âm „gờ“ trong tiếng Việt. Sau đó thóp bụng lại và gừ gừ trong cổ họng sao cho lưỡi gà rung lên là được. Tương tự như trên, hãy tìm một vài từ bắt đầu bằng âm „r“, phát âm chúng. Nhớ trong đầu mình phải phát âm thành „gờ“ và lưỡi gà trong cổ họng rung lên.
Lỗi 9: nhầm âm ß thành âm bờ
Miêu tả lỗi
Một số giáo viên hay gọi âm ét-xét ß là âm B béo vì trông nó giống âm B, tuy nhiên điều này khiến cho học viên bị nhầm tưởng hoặc bị ghi vào trong đầu đây là âm B trong tiếng Việt.
Sự thực:
- ß không phải là âm B trong tiếng Việt.
- ß được phát âm giống với âm „xờ“ trong tiếng Việt.
Cách sửa
Đọc 10 lần câu: trong tiếng Đức không có âm nào gọi là âm B béo. Chỉ có âm „ét-xét“ được phát âm như âm „xờ“ trong tiếng Việt mà thôi.
Cứ mỗi lần bị sai, bạn lại đọc 10 lần câu trên cho tới khi nào sợ không dám sai nữa thì thôi.
Lỗi 10: nhầm âm w và v
Miêu tả lỗi
Phát âm tiếng Đức khá dễ và tương đối tương đồng với tiếng Việt. Nhưng một số kí âm của nó lại khác với tiếng Việt nên chúng ta hay bị nhầm.
Ví dụ:
- Âm „phờ“ trong tiếng Việt lại được kí âm thành „v“ trong tiếng Đức.
- Âm „vờ“ trong tiếng Việt lại được kí âm thành „w“ trong tiếng Đức.
Cách sửa
Ghi nhớ trong đầu:
- Âm „w“ trong tiếng Việt gọi là „vê kép“ thì trong tiếng Đức được phát âm là „vờ“ chứ không phải là âm „guờ“ như trong tiếng Anh.
- Âm „v“ thì phải được phát âm là „phờ.“
Lỗi 11: phát âm những âm không có trong tiếng Đức thành âm tiếng Việt
Miêu tả lỗi
Có những nguyên âm kép có trong tiếng Việt, nhưng lại không có trong tiếng Đức. Do vậy, khi phát âm, chúng ta thường phát âm chúng như trong tiếng Việt. Những âm hay gặp có thể kể đến như là „oa“, „ui“, „ia“.
Cách sửa
Khi gặp những âm trên, chúng ta không được phát âm liền như trong tiếng Việt mà phải làm như sau:
- Phát âm rời ra bằng cách thêm dấu sắc vào một nguyên âm.
Ví dụ:
- „oa“ không được phát âm thành „oa“ mà phải phải âm thành „Ố-a“, „ui“ thành „Ú-i“, „ia“ thành „Í-a“.
- Joachim đọc thành Dzô – Akhim.
- Luisa đọc thành Lu-idà.
- Dialog đọc thành Đi-alốk.
Tất nhiên, các bạn cũng cần phải học thuộc tất cả các âm tiếng Đức để biết âm nào tiếng Đức có và âm nào tiếng Đức không có.
Lỗi 12: nhầm phụ âm kép và chèn âm „ơ“ vào giữa phụ âm kép
Miêu tả lỗi
Nếu lỗi 11 ta gặp phải với nguyên âm kép thì lỗi 12 lại liên quan đến phụ âm kép. Khi phát âm những âm này, chúng ta hay có hai lỗi:
Nhầm với âm có kí âm tương tự trong tiếng Việt như:
- Âm „ch“ nhầm thành âm „chờ“ trong tiếng Việt, sự thực tiếng Đức „ch“ được phát âm là „khờ“ hoặc „ix“
- Âm „tr“ nhầm thành âm „trờ“ trong tiếng Việt, sự thực tiếng Đức „tr“ được phát âm tách ra thành t-r. Ví dụ: Metro sẽ được phát âm là Mê-t-gô, chứ không phải là Mê-trô.
- Âm „tsch“ bị nhầm thành âm „sch“. Nên nhớ, âm „tsch“ được phát âm như âm „chờ“ của tiếng Việt. Âm „sch“ được phát âm như âm „sờ“ nặng của tiếng Việt.
Chèn âm „ơ“ vào giữa hai âm tiết của phụ âm kép
Một số phụ âm kép như „st“, „pf“, „sp“ luôn bị một số học viên phát âm thành „xờ-tờ, pờ-phờ, xờ-pờ.“ Đây là các âm gió. Việc chèn âm „ơ“ vào giữa càng khiến từ khó đọc hơn, chưa nói đến việc khiến người nghe không nhận biết được từ đó. Trừ khi người nghe là người Việt.
Cách sửa
- Với trường hợp nhầm âm, ta cần chú ý học thuộc các âm.
- Với trường hợp chèn âm „ơ“ ta phải luyện bật phụ âm gió.
Âm „st“
- Thay vì phát âm là xờ-tờ thì ban đầu ta sẽ xì như lốp xe bị xì hơi, sau đó chuyển qua âm „t“.
Ví dụ: Student sẽ phát âm như sau:
- [xì hơi như lốp xe bị xì hơi + tu-đen-th].
Âm „pf“
- Ban đầu ta bịm hai môi lại như chuẩn bị phát âm „p“ nhưng khi bật ra thì răng lại cắn vào môi để phát âm „f“.
Âm „sp“
- Phát âm tương tự âm „st“, xì trước sau đó phát âm chính là âm „p“.
Lỗi 13: lỗi phát âm các âm „aupt“, „unft“, „ünft“
Miêu tả lỗi
Với âm „aupt“ chúng ta hay lười mà phát âm chúng thành âm „aus.“
Ví dụ:
- Từ Hauptbahnhof hay Hauptstadt bị phát âm thành „Hau-s-bahnhof“ và „Hau-s-stadt“.
Với âm „unft“ và „ünft“ thì chúng ta hay phát âm chuẩn theo đánh vần. Nhưng những âm này lại bị biến âm thành „umf“ và „ümf.“
Ví dụ:
- Zukunft được phát âm là „txu-kumft“ chứ không phải là „txu-kunft.“
- fünf sẽ là „phum-f“ chứ không phải là „phun-f.“
Cách sửa
Học thuộc qui tắc biến âm trên và tìm những từ tương tự để phát âm.
Lỗi 14: phát âm âm „er“ quá nặng
Miêu tả lỗi
Chúng ta thường phát âm âm „er“ thành „ê-r“ hay „e“, „é.“ Tuy nhiên, người Đức thường phát âm âm này nhẹ nhàng thành âm „a“.
Ví dụ:
- Niddastraße và Nidderstraße sẽ được phát âm giống nhau. Người Đức luôn luôn phải hỏi lại là Nidda với „a“ hay với „er.“
Cách sửa
Tìm một vài từ tương tự để luyện phát âm cho đến khi không bị nhầm nữa là được.
Lỗi 15: lỗi phát âm tiếng Đức quá chuẩn
Miêu tả lỗi
Rất buồn cười ở chỗ, nếu chúng ta phát âm tiếng Đức quá chuẩn, đôi khi chúng ta cũng sẽ gặp rắc rối với điều ưu việt này. Tại sao lại như vậy? Vấn đề nằm ở chỗ:
- Nhiều từ trong tiếng Đức có nguồn gốc nước ngoài. Người Đức có xu hướng giữ nguyên cách phát âm của từ theo tiếng gốc.
Ví dụ:
- Từ „Chef“ sẽ được phát âm là „xếp“ theo tiếng Pháp chứ không phải là „khếp“ như âm chuẩn Đức.
- Âm „ll“ trong tiếng Tây Ban Nha được phát âm là „nh.“ Nên từ „Malloca“ được phát âm là „Ma-nhoóc-ca“ chứ không phải là „Mai-lô-ca“ như trong chuẩn tiếng Đức.
Cách sửa
Cách sửa duy nhất trong trường hợp này là tăng cường học và ghi nhớ các từ gốc nước ngoài mà thôi.
Em tự học tiếng Đức theo các bài hướng dẫn trên đây, thấy dễ hiểu và cụ thể lắm ạ. Cám ơn ad nhiều nhiều.
mình đang bắt đầu học tiếng đức..cảm ơn bài viết hữu ích và….dí dỏm của ad.